Thủ khoa nào mới là… thủ khoa thật?

Lượt xem:

Đọc bài viết

 Trong số những thủ khoa ở các trường quân đội và công an năm 2018 có bao nhiêu “thủ khoa thật” và bao nhiều “thủ khoa giả”?

Đêm 30 Tết Nguyên đán vừa qua, chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam đã để lại nhiều dư vị chát đắng cho bạn xem truyền hình.

Điều mà Táo Giáo dục (nghệ sĩ Chí Trung thủ vai) bẩm báo với Ngọc Hoàng khiến cho người xem nhìn lại rõ hơn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Hiện tượng một số tỉnh miền núi phía Bắc- những địa phương còn vô vàn khó khăn nhưng số lượng thủ khoa đã được phủ khắp các trường quân đội, công an.

Đây là một hiện tượng…rất lạ, chưa hề có trong tiền lệ.

Cơ quan công an bắt tạm giam một số cán bộ dính líu đến tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở Sơn La (Ảnh: Báo Lao động)

Chính vì vậy, trong phần báo cáo với Thiên đình, Táo Giáo dục đã đề cập đến vấn đề nóng nhất được nhắc đến đó chính là những gian đối trong việc chấm thi, vào điểm của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở một số địa phương.

Trong đó, có những câu nói rất bất hủ được nhiều người nhớ mãi: “Thủ khoa không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ truyền từ thằng này qua thằng khác”.

Hay: “1+1 bằng 9, hoặc 10 tuỳ vào ý chí của người cộng điểm”.

Nếu so sánh với tình hình thực tế, những câu nói của Táo Giáo dục đã phản ánh một cách trung thực về kỳ thi ở một số địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…

Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến vị trí “thủ khoa” người ta thường nghĩ ngay đến một người học giỏi, đỗ đầu một khoa thi hay một trường, một ngành học nào đó.

Vị trí thủ khoa bao giờ cũng được mọi người ngưỡng mộ, được địa phương,  nhà trường tôn vinh.

Thế nhưng, nhiều thủ khoa của kỳ thi Trung học phổ thông 2018 thì hoàn toàn không phải vậy, nhất là khi điểm thi thật của Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được chấm thẩm định và được thông tin đến với dư luận cả nước.

Ngày 17/7/2018, sau khi Bộ Giáo dục- Đào tạo công bố điểm thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì nhiều thí sinh thấy bạn bè trong lớp của mình có điểm cao bất ngờ.

Chính sự bất ngờ đó, cùng với sự phân tích của nhiều người, nhiều thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục.

Cùng với sự vào cuộc rốt ráo của Bộ Giáo dục và Bộ Công an nên sự thật dần dần lộ diện.

Dư luận cả nước cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và bất ngờ sau lại bất ngờ hơn bất ngờ trước.

Một tỉnh như Hà Giang nhưng khi công bố điểm đã có kết quả cao chót vót.

Khối A1 (Toán, Vật lý, Ngoại ngữ), có 36 thí sinh được trên 29 điểm, chiếm gần một nửa thí sinh cả nước đạt mức này (76).

Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học), cả nước có 82 thí sinh được trên 27 điểm thì Hà Giang chiếm gần 1/3.

Sơn La có tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên môn Vật lý cao gấp 12 lần thành phố Hồ Chí Minh.

Chính từ sự bất thường này, ngày 14/7/2018, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo cho đoàn công tác gồm cán bộ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ Giáo dục và A83 Bộ công an, lên Hà Giang làm rõ bất thường trong điểm thi.

Kết quả chấm thẩm định ở Hà Giang đã có nhiều sai lệch nghiêm trọng.

Có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định.

Cá biệt có thí sinh có tổng điểm các môn thi được làm tăng lên đến 29,95 điểm.

Tuy nhiên, dù sao thì ở hậu quả của Hà Giang cũng không lớn bằng Hòa Bình, Sơn La bởi các cơ quan chức năng đã phát hiện ngay từ những ngày đầu công bố điểm thi và các thí sinh chưa nhập học.

Đặc biệt, mức độ tinh vi và xảo trá ở Sơn La và Hòa Bình hơn gấp nhiều lần Hà Giang bởi nhiều dữ liệu của kỳ thi đã bị hủy bỏ.

Hòa Bình cũng là một địa phương có điểm cao bất thường.

Sau khi công bố điểm thi thì tỉnh này có tỉ lệ điểm cao xếp đầu cả nước về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, xếp thứ 2 về môn Vật lí.

Trong quá trình điều tra, chấm thẩm định thì đã có 140 bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người làm.

Kết quả chấm thẩm định của Bộ giáo dục và Đào tạo xác định điểm thi của 64 thí sinh của Hòa Bình, trong đó có 63 người năm 2018 và 1 người năm 2017 có sự thay đổi.

Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi.

Có thí sinh được nâng khống đến 26.45 điểm cho 3 môn. Vụ việc khiến cho dư luận bàng hoàng.

Cứ tưởng điểm gian lận của Hòa Bình đã đạt đến mức cao nhất của giới hạn gian dối. Ai dè, Sơn La đã vượt qua sự gian dối của Hòa Bình.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định cho thấy, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm đến 26,55 điểm/ 3 môn. Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.

Và, cũng chưa biết đây thực sự đã là điểm tận cùng của sự gian dối hay chưa? Bởi, một số địa phương vẫn còn đang trong quá trình điều tra của cơ quan an ninh.

Ngày 10/8/2018, Báo Tiền phong có bài viết: “Thủ khoa Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La “phủ” khắp trường công an, quân đội”.

Trong bài phản ánh này đã thống kê tỉnh Hòa Bình có tới 10 thủ khoa; tỉnh Lạng Sơn có 6 thủ khoa; tỉnh Sơn La có 5 thủ khoa ở các trường đại học, học viện công an và quân đội.

Trong số những thủ khoa ở các trường quân đội và công an năm 2018 có bao nhiêu “thủ khoa thật” và bao nhiều “thủ khoa giả”?

Rõ ràng những thủ khoa giả này đã chiếm mất vị trí của thí sinh ở các tỉnh có truyền thống hiếu học, số lượng thí sinh đông mà lại vắng bóng hoặc rất thưa thớt thủ khoa?!

Hàng loạt cán bộ của ngành giáo dục các địa phương này đã bị bắt, bị truy tố nhưng có lẽ đó vẫn chưa phải là điều mà dư luận mong chờ nhất.

Dư luận cần sự minh bạch thông tin về những thủ khoa, những thí sinh gian dối ở các địa phương này.

Nếu không, sẽ uổng công sức các điều tra viên của Bộ Công an suốt gần 1 năm qua. Và, xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục trong các kỳ thi tới đây!?

Nguồn: http://giaoduc.net.vn