Những tình huống sư phạm thường gặp trong giáo dục đặc biệt và cách xử lí khoa học nhất
Lượt xem:
Đọc bài viết
Trong thực tế hiện nay luôn có các tình huống sư phạm xảy ra trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục đặc biệt. Giáo viên tìm cách giải quyết tình huống có hiệu quả với các trẻ bình thường đã khó huống chi là với trẻ khuyết tật. Mỗi trẻ khuyết tật là một cá nhân, các em có năng lực, nhu cầu và cách thể hiện hành vi riêng của mình. Bởi vậy, giáo viên không thể đưa ra cách giải quyết tình huống cố định mà cần linh hoạt với từng trẻ ở các dạng tật khác nhau. Giáo viên trong lớp tìm ra được các cách giải quyết các tình huống sư phạm trong giáo dục đặc biệt hợp lí sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò đồng thời cũng nâng cao chất lượng hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Sau đây là những tình huống sư phạm thường gặp trong giáo dục đặc biệt và cách xử lí khoa học nhất.
Trẻ tự hành hạ bản thân
Tình huống:
Bé Lâm 5 tuổi hiện đang học lớp mẫu giáo hình được bác sĩ chẩn đoán bị tự kỉ. Khi tới lớp Lâm không chơi với bất cứ ai, chỉ tha thẩn một mình. Thỉnh thoảng Lâm thường đẩy bạn ngã rồi đứng nhìn. Các bạn trong lớp đều tránh khi Lâm lại gần. Khi bị cô giáo phạt Lâm thường có biểu hiện tự hành hung bản thân bằng cách tự cắn vào tay của mình. Là giáo viên của Lâm bạn cần phải làm gì?
Xử lí tình huống:
Trước tiên, GV cần tìm hiểu nguyên nhân từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
- Nếu nguyên nhân chính của hành vi là do bị rối loạn cảm giác giáo viên nên:
- Trao đổi với gia đình Lâm để họ được biết và có các biện pháp can thiệp.
- Không nên cáu gắt, quát mắng Lâm mà nên tách Lâm ra khỏi lớp để em được bình tĩnh sau đó cho Lâm trở lại lớp học để xin lỗi bạn bị đánh.
- Nên dành cho Lâm nhiều thời gian hơn để tập các bài tập vận động liên quan đến hệ tiền đình, phát triển khớp và cơ; luyện xúc giác để góp phần làm giảm các hành vi bất thường của Lâm. Đây chính là cách quản lí hành vi của trẻ thông qua cách tiếp cận đa giác quan.
- Nếu trẻ đẩy bạn ngã vì thích nhìn bạn ngã, GV nên có thái độ bình tĩnh và nói với trẻ vì sao trẻ bị phạt. GV có thể dùng biện pháp nhân quả để cho Lâm biết cảm giac khi bị người khác đẩy là như thế nào. Tuy nhiên biện pháp này chỉ được thực hiện sau khi có sự cho phép của phụ huynh, của Ban giám hiệu và môi trường lớp học an toàn. Bên cạnh đó, giáo viên nên phối hợp với phụ huynh cùng trao đổi về các biện pháp quản lý hành vi ở trường và gia đình từ đó tìm ra biện pháp hữu ích, đồng thời cũng cho trẻ biết rằng không phải sở thích nào của con cũng được cô giáo và bố mẹ cho phép.
Trẻ không tham gia hoạt động của lớp và luôn nhai
Tình huống:
Trong lớp mẫu giáo nhỡ của cô Hoa có trẻ tự kỉ tên Long. Long tới lớp nhưng không muốn tham gia bất kì một hoạt động nào diễn ra tại lớp. Trẻ chỉ thích ngồi góc lớp, nơi có chỗ tối và luôn nhai mặc dù giáo viên đã kiểm tra trong miệng trẻ không có gì GV trong lớp đó không có cách nào để cho trẻ tham gia các hoạt động của lớp. Khi bị cô giáo ép Long chỉ tham gia cho xong việc sau đó lại quay trở về trạng thái kém hoạt động. Là giáo viên bạn cần phải làm gì để giúp Long cải thiện tình hình hiện tại?
Xử lí tình huống:
- Vấn đề thứ nhất: Long là trẻ tự kỉ luôn từ chối giao tiếp; khả năng tương tác với người xung quanh kém. Vấn đề chính là giáo viên cần tìm hiểu xem trẻ thích chơi những đồ chơi gì nhất? Món ăn nào trẻ thích nhất? Cô giáo hoặc bạn nào trẻ thích?
Với Long, nếu GV sử dụng phương pháp ABA hoặc TEACCH để can thiệp sẽ không có hiệu quả cao mà cần áp dụng phương pháp can thiệp/dạy học tại sàn “Floor time” sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Giáo viên có thể dựa vào các gợi ý dưới đây để chăm dạy trẻ Long:
- Quan sát trẻ để xác định trạng thái cảm xúc của trẻ;
- Người lớn ngồi cùng với trẻ, tiếp cận trẻ qua việc chơi và tương tác như: bắt chước các hành động trẻ thể hiện; cùng chơi trò chơi trẻ thích;
- Tương tác với trẻ theo sự dẫn dắt của trẻ, tuy nhiên GV vẫn đóng vai trò trợ giúp và cổ vũ trẻ chơi
- Mở rộng trò chơi qua việc nhận xét; động viên, khuyến khích trẻ chơi, hỏi trẻ những điều mà trẻ thích;
- Khi trẻ trả lời, GV không nên ngắt quãng mà hãy tạo tâm lí vui vẻ để tăng cường sự tương tác giữa trẻ và GV qua các gợi ý hoạt động sau: Bật đèn sáng ở góc trẻ ngồi. Sử dụng bóng gai, bàn chải lông mềm chà sát nhẹ vào lòng bàn tay trẻ; Cho trẻ cầm một vật lạnh (đá) để kích thích trẻ tỉnh táo và tập trung hơn; Xoa bóp/ mát xa nhẹ nhàng cho trẻ; Cho trẻ ngồi hoặc nằm lên quả bóng to đường kính 80cm; Cho trẻ nhảy trên đệm lò xo; GV thay đổi giọng noi:lúc to, lúc nhỏ,…
- Vấn đề thứ hai: Trẻ luôn nhai mặc dù trong miệng không có gì? GV nên:
Bôi nước đá quanh môi trẻ hoặc cho trẻ uống nước lạnh thấy lạnh trẻ sẽ ngừng nhai; Hoặc cho trẻ nhai kẹo cao su;
Những gợi ý trên nếu thực hiện hàng ngày thì các hành vi của trẻ sẽ giảm dần.
Trẻ nói leo, nói tục
Tình huống:
Bé Lan 4 tuổi đang học lớp mẫu giáo bé. Trong giờ học bé Lan thường hay nói leo. Cô giáo chưa hỏi đến mình đã nói, đôi khi còn nói tục làm ảnh hưởng tới lớp học. Là giáo viên bạn nên làm gì để giúp Lan?
Xử lí tình huống:
Trước tiên, GV cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi trên của Lan sau đó đưa ra cách giải quyết phù hợp:
- Bé Lan có hành vi nói trên có thể là do bé nói leo hoặc cô giáo chưa cho phép bé đã nói, giáo viên có thực hiện theo các gợi ý sau:
- Khi thấy Lan sắp có biểu hiện nói tự do giáo viên hãy thể hiện sự không vừa lòng bằng các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt cho Lan biết.
- Luôn khen ngợi những trẻ giơ tay để phát biểu; để Lan học tập theo
- Sử dụng bức tranh “Trẻ giơ tay để phát biểu” treo trên bảng lớp để nhắc nhở Lan và cả lớp luôn thực hiện hành vi đúng.
- Khi Lan nói tự do, giáo viên nên yêu cầu Lan ngồi xuống sau đó cho em giơ tay và phát biểu lại. Sau mỗi lần như vậy giáo viên nên động viên, khen ngợi Lan để em hiểu được đó mới là hành vi đúng
- Khen thưởng kịp thời khi Lan biết giơ tay xin phát biểu.
- Trong trường hợp Lan nói tục, GV có thể làm theo các gợi ý sau:
- Những lần đầu nên nhắc nhở và thể hiện sự không vừa lòng với hành vi đó của Lan.
- Nếu hành vi đó không giảm sau mỗi lần Lan nói tục có thể phạt Lan bằng các cách: Lấy đi một phần thưởng mà Lan yêu thích; Tách Lan ra khỏi lớp học trong một khoảng thời gian ngắn; Trao đổi với gia đình Lan để cùng giáo dục hành vi đó; Bắt Lan phải thực hiện một hoạt động mà em không thích: vẽ nặn, cất đồ chơi..; Sử dụng một đồ vật hoặc hành động mà Lan sợ để dọa Lan sau mỗi lần Lan nói tục.