5 năm phổ cập giáo dục MN: Mỗi bữa ăn trưa của trẻ vùng khó khăn được thêm 5.000 đồng
Lượt xem:
Dân trí Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục mầm non phát triển nhanh chóng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. 2 thành công rõ nét nhất đó là chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hộ nghèo và chính sách hỗ trợ đối với giáo viên.
>>Hà Nội: Sa thải giáo viên nhồi nhét và đánh trẻ mầm non trong giờ ăn
>>Hà Tĩnh: Hơn trăm trẻ mầm non bị “từ chối” nhận lớp
>>Phổ cập mầm non 5 tuổi đem lại những quyền lợi gì cho trẻ em?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2013, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta mới công nhận được 11 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thì đến 2017 đã có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn này.
Việc thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã tác động sâu rộng đến giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức của toàn xã hội với giáo dục mầm non. Có thể nói, nó tạo nên sự thay đổi căn bản và toàn diện cho giáo dục mầm non.
Chất lượng bữa trưa của trẻ được cải thiện
Thưa ông, trong quá trình triển khai Nghị quyết 29, nhiều chính sách đã được Bộ GD&ĐT xây dựng, tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển. Ông có thể nói rõ hơn về những tác động của các chính sách đó trong thực tiễn?
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.
Hai chính sách này có tác động rất rõ nét. Ví dụ, như chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa mà đối với trẻ em hộ cận nghèo, hộ nghèo, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn đã tác động đến chính sách huy động trẻ đến trường rất tốt. Mỗi bữa ăn dù chỉ có thêm 5000 đồng/cháu nhưng chất lượng bữa ăn trưa đã được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ bữa ăn trưa này mà trẻ em ở các cơ sở mầm non ở vùng khó khăn đã hào hứng hơn với việc đến trường, gia đình cũng yên tâm hơn khi gửi các em đến các lớp mầm non.
Xã hội hóa giáo dục mầm non được thực hiện như thế nào trong triển khai Nghị quyết 29 thưa ông?
Nếu 2013, chúng ta chỉ có khoảng 12% trường ngoài công lập, thì hiện nay con số đó đã lên đến khoảng 18%. Dù chênh lệch hơn 6% nhưng con số cụ thể là hàng nghìn trường.
Ngoài chính sách chung của nhà nước nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thì các địa phương cũng có chính sách riêng như miễn thuế, tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, cắt giảm các thủ tục hành chính nên đã khuyến khích hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển.
Có thể kể đến một số địa phương có tỷ lệ trường ngoài công nghiệp cao như Đà Nẵng (66.03%), Bình Dương (66.02%), Tp. Hồ Chí Minh (62.83%), Bà Rịa Vũng Tàu (33.33%), Đồng Nai (30,98%), Hà Nội (30.58%), Hải Phòng (28.74%), Lâm Đồng (24.45%).
Nhiều địa phương đã rất linh hoạt, chủ động, nỗ lực trong huy động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Trẻ mầm non đến trường mỗi năm tăng 250.000
Việc thiếu trường lớp vẫn diễn ra, đặc biệt các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông, cần có giải pháp gì để từng bước khắc phục tình trạng này?
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016, toàn quốc có khoảng 325 khu công nghiệp được thành lập. Số lao động trong các khu công nghiệp khoảng gần 3 triệu người; trong đó khoảng 1,2 triệu là nữ. Sự gia tăng dân số cơ học tạo áp lực cho các trường công lập vì hầu hết các địa phương đều thiếu quy hoạch dự báo trước.
Trên toàn quốc hiện nay có khoảng 1.500 nhóm lớp độc lập tư thục. Những nhóm lớp này giá rẻ, phục vụ được nhu cầu của con em công nhân, tuy nhiên điều kiện đảm bảo an toàn trong các cơ sở này rất hạn chế.
Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất;
Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và xây dựng hệ thống quy chuẩn trường lớp mầm non để các địa phương làm căn cứ để xây dựng quy hoạch.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đề án Phát triển giáo dục mầm non đến 2025.
Ngoài ra, cũng cần cường kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc phát triển trường lớp, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ mầm non, cũng như trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập theo quy hoạch chung của địa phương.
Khuyến khích tổ chức cá nhân thành lập trường MN
Thiếu giáo viên mầm non là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, để giải quyết được vấn đề này cần những giải pháp gì, thưa ông?
Thứ nhất, là số trẻ đến trường càng ngày càng tăng và tăng rất nhanh, mỗi năm trẻ mầm non đến trường tăng 250.000 trẻ trong toàn quốc, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Thứ hai, là trong bối cảnh hiện nay, tổng chỉ tiêu biên chế giáo viên ở các tỉnh gần như không tăng do chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế. Số lượng giáo viên tuyển ở các cấp học phổ thông có xu hướng thừa so với nhu cầu nên không còn biên chế cho giáo viên mầm non. Ở địa phương không cân đối được, trong khi số giáo viên phổ thông thừa nhưng điều chuyển xuống dạy các bậc học khác thì lại không phù hợp.
Thứ ba, việc thực hiện tinh giảm biên chế đối với ngành giáo dục còn bất cập và mang tính cơ học, thiếu giáo viên mầm non theo định mức nhưng các địa phương không được hợp đồng lao động với giáo viên nên không thể bố trí đủ giáo viên để giúp các giáo viên thực hiện công việc đỡ áp lực.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên các địa phương cần thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Đồng thời cần tăng cường xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập trường mầm non ngoài công lập, lập phương án chuyển một số trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao để các trường ngoài công lập có thể chủ động bố trí giáo viên, xây dựng cơ chế chính sách chuyển một số trường công lập sang hình thức trường công lập tự chủ.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu tham mưu chính phủ điều chỉnh sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức nói chung và viên chức giáo dục nói riêng một cách hiệu quả.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: Báo giáo dục mầm non